Thăng Long Tứ Trấn - dấu ấn văn hóa lịch sử của Hà Nội

       Thăng Long tứ trấn  là một khái niệm dùng để chỉ bốn ngôi đền linh thiêng tại Hà Nội. Bốn ngôn đền này được xây dựng ở 4 hướng đông, tây, nam, bắc của Kinh thành Thăng Long với mục đích trấn yểm, che chở bảo vệ cho kinh thành Thăng Long, ngày nay là thủ đô Hà Nội.
Trong bài viết này, Vọng Xưa Hotel xin giới thiệu đến các bạn một số thông tin về Thăng Long Tứ Trấn. Tứ Trấn của Thăng Long bao gồm: Đền Bạch Mã trấn giữ phía đông, Đền Voi Phục trấn giữ phía tây, Đền Quán Thánh trấn yểm phía Bắc, Đền Kim Liên trấn yểm phía nam.


1. Đền Bạch Mã
 

       Đền Bạch Mã hiện nay nằm tại 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi đền thờ Thần Long Đỗ (Thần Long Đỗ tức là thần núi Long Đỗ, đồng thời cũng là núi Nùng – nơi tiếp nhận khí thiêng của Kinh thành Thăng Long). Có rất nhiều câu chuyện lịch sử văn hóa liên quan đến ngôi đền, trong đó hay được biết đến hơn cả là câu chuyện về Vua Lý Thái Tổ. Tương truyền khi mới dời đô ra Thăng Long, Lý Công Uẩn cho người xây dựng và đắp thành, nhưng đắp đến đâu thành đổ đến đó. Thấy vậy, nhà vua cho người đến cầu khấn thần Long Đỗ, khi vừa khấn xong thì thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi một vòng từ đông sang tây, đi đến đâu để lại dấu chân đến đó. Vua sai người đắp thành theo dấu chân ngựa, quả nhiên thành đắp xong vững trãi. Từ đó, nhà vua cho tu sửa xây dựng lại ngôi đền và phong thần Long Đỗ là “Quốc đô Thăng Long Thành Hoàng đại vương”.

2. Đền Quán Thánh 


 
       Đền Quán Thánh tọa lạc tại số 190 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận ba Đình, Hà Nội. Ngôi đền nằm ngay bên cạnh Hồ Tây và gần với chùa Trấn Quốc – một ngôi chùa mang đậm dấu ấn linh thiêng của văn hóa Việt. Đây là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần trấn giữ hướng Bắc của kinh thành Thăng Long. Tương truyền, Huyền Thiên Trấn Vũ giúp dân trừ tà, diệt yêu, trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương thứ 14), trừ cáo chín đuôi, diệt hồ ly tinh,…Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi đền được đổi nhiều tên từ Trấn Vũ Quán, đến đền Quán Thánh, được gìn giữ và tu sửa, thể hiện sự thành kính, tôn trọng những giá trị văn hóa dân tộc lâu đời

.
3. Đền Voi Phục




  
        Đền Voi Phục được xây dựng vào đời Lý Thánh Tông (năm 1065). Ngôi đền thờ Linh Lang Đại Vương – một hoàng tử nhà Lý, tự Hoằng Chân, con vua Lý Thánh Tông, có công giúp vua cha chống quân xâm lược Tống bên sông Như Nguyệt. Thần tích kể, khi quân Tống xâm lược, Linh Lang xin vua cha ban quân và hai thớt voi ra trận đánh giặc. Khi voi đến, hoàng tử bắt voi quỳ xuống, voi nghe lệnh quỳ xuống và đưa linh Lang cùng các tướng sỹ ra trận. Sau khi qua đời, hoàng tử Linh Lang được lập đền thờ, phía ngoài cửa đền tạc tượng hai con voi đang phủ phục, do đó dân chúng khi đến cầu đảo luôn gọi là đền Voi Phục.
Hiện nay ngôi đền nằm tại số 306 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.



4. Đền Kim Liên


 
        Đền Kim Liên hay còn gọi là đền Cao Sơn. Vị thần được thờ tự chính trong ngôi đền là Cao Sơn Đại Vương. Theo tín ngưỡng dân gian, Cao Sơn là người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau này theo chân mẹ lên núi. Cao Sơn đã có có công lao trong việc khai phá, giữ gìn bình yên tại vùng đất Kim Liên cũ, đồng thời cũng trợ giúp vua Lê dẹp loạn. Do đó vào năm 1509, nhà vua đã cho xây dựng lại ngôi đền to đẹp hơn ở gần Thăng Long lúc bấy giờ. Hiện tại ngôi đền tọa lạc tại 148 Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nôi, và trong đền còn lưu giữ di vật quan trọng là tấm bia đá “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung biên soạn năm 1510 để nói về công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích. 
 
        Hiện nay, bốn ngôi đền đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của Hà Nội, đồng thời cũng là các địa điểm ghé thăm của khách du lịch khi đến Hà Thành. Khi đi lễ hay ghé thăm Thăng Long tứ trấn, du khách nên đi theo thứ tự Đông – Tây – Nam – Bắc, bắt đầu từ đền Bạch Mã – Đền Voi Phục – Đền Kim Liên – Đền Quán Thánh. Khi đến thăm đền, du khách nên mặc trang phục lịch sự, không mặc váy, quần cộc, áo ngắn tay.

        Vọng Xưa Hotel, mong rằng quý khách sẽ có những khám phá, trải nghiệm tuyệt vời khi tham quan Thăng Long Tứ Trấn.


 

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Địa chỉ khách sạn giá rẻ gần bệnh viện bạch mai_ Vongxua Hotel

Địa chỉ khách sạn giá rẻ gần bệnh viện bạch mai_ Vongxua Hotel

Ngẩn ngơ trước “mùa hoa tháng 5” tại Hà Nội

Ngẩn ngơ trước “mùa hoa tháng 5” tại Hà Nội

Chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 - Vongxua Hotel Ưu đãi giảm giá upto 20%

Chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 - Vongxua Hotel Ưu đãi giảm giá upto 20%

Xem tất cả